Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng rất thường gặp hiện nay ở dân văn phòng, công nhân nhà máy, xí nghiệp,… Đặc biệt, suy giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới là phổ biến hơn cả. Vậy bạn đã biết cách phòng tránh cũng như điều trị hiệu quả chưa? Nếu chưa thì đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây nhé!
1. Suy giãn tĩnh mạch chân là gì?
Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh do chức năng của thành mạch và các van tĩnh mạch bị suy yếu. Máu không thể trở về tim dễ dàng mà bị ứ lại ở các tĩnh mạch chân, tạo nên phản ứng viêm. Theo cơ chế hoạt động thông thường, khi bước đi, bàn chân chạm đất tạo nên áp lực, đẩy máu từ tĩnh mạch gan bàn chân lên trên. Ngay lúc đó, cơ co lại, tạo thành lực ép, đẩy một phần máu lên phần trên của cơ thể. Ngoài ra, nhờ cơ hoành, máu sẽ được hút về tim nhờ lực hút tạo ra khi người hít thở. Giữa các lực hút và đẩy trên, máu được giữ lại cố định trong khoảng thời gian ngắn mà không chảy ngược xuống dưới nhờ vào hệ thống van trong lòng tĩnh mạch. Nếu quá trình trên gặp trục trặc, máu sẽ bị ứ đọng ở chân, về lâu dài gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch. Biểu hiện là đường mạch nổi lên ngoằn ngoèo, chân bị phù nề, sưng tê, thường xuyên có cảm giác như kiến bò dọc cẳng chân, và bị chuột rút vào ban đêm.
2. Tại sao nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới?
Cả nam và nữ đề có khả năng mắc bệnh với nguy cơ cao với các yếu tố thúc đẩy như tuổi cao, béo phì, hút thuốc, yếu cơ, chấn thương chân, tiền sử gia đình và tính chất công việc. Vậy tại sao suy giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới lại thường gặp hơn? Ở phụ nữ lại có thêm những nguy cơ đặc biệt như mang thai, sinh đẻ nhiều lần, mang giày cao gót, bắt chéo chân và nội tiết tố làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở giởi này.
Phụ nữ mang thai:
Hệ thống mạch máu của phụ nữ giãn ra trong suốt quá trình mang thai để đáp ứng đủ dinh dưỡng cho thai nhi. Sự thay đổi này kéo dài càng lâu (tổng thời gian mang thai lớn) thì chức năng và cấu trúc của tĩnh mạch càng biến đổi. Thống kê cho thấy 30% phụ nữ bắt đầu quá trình suy giãn tĩnh mạch chân trong thai kỳ đầu tiên của họ. Ngoài ra, mang thai cũng khiến cơ thể sản sinh nhiều hồng cầu và tăng thể tích máu ngoại vi lên đến 50% sẽ khiến các tĩnh mạch căng phồng hơn bình thường. Thể tích dạ dày cũng tăng lên và áp lực đè nén do bào thai đang lớn dần trong bụng khiến máu lưu thông về tim khó khăn rất dễ gây ứ đọng và làm suy yếu các van tĩnh mạch. Tăng cân khi mang thai khiến cơ thể nặng nề và gia tăng lực đè nén lên 2 chân cũng khiến dòng máu khó di chuyển về tim, thường thấy là phụ nữ mang thai rất dễ bị phù chân. Thêm vào đó, nội tiết tố thay đổi trong quá trình mang thai (progesteron tăng cao) cũng gây giãn mạch góp phần cho sự ứ máu tại chi dưới.
Mang giày cao gót:
Bình thường khi bước đi, áp lực chân đè lên sàn sẽ gây phản lực cùng với sự co cơ giúp hỗ trợ tống máu dễ dàng về tim. Nhưng khi bạn đi một đôi giày cao gót, lực đẩy tự nhiên này sẽ mất đi, trọng lượng cơ thể chuyển sang ngón chân cái mà không dàn đều cả bàn chân, các cơ luôn giữ ở trạng thái co cứng (cơ bắp chân) và máu không thể làm đầy các tĩnh mạch chân và bắp chân, lực đẩy cũng yếu đi khiến máu bị ứ lại. Một yếu tố làm đẹp của nhiều chị em cũng vô tình tiếp tay cho suy giãn tĩnh mạch đó chính là việc mặc đồ bó sát, nhất là vùng eo, đùi và bắp chân. Đồ bó sát sẽ gây co ép các tĩnh mạch khiến dòng máu lưu thông về tim bị giảm và khó khăn.
Tiền mãn kinh và mãn kinh:
Chúng ta đều biết rằng, tuổi cao cùng với sự lão hóa của buồng trứng làm suy giảm sự sản xuất nội tiết tố là Estrogen và progesteron. Estrogen là hormon ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh và tính toàn vẹn của mạch máu. Progesteron kiểm soát sự đóng mở các van tĩnh mạch được nhịp nhàng. Sự thiếu hụt của nội tiết tố sẽ làm tĩnh mạch dễ bị giãn và van tĩnh mạch suy yếu, thúc đẩy bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.
Dấu hiệu của suy giãn tĩnh mạch chân:
+ Cứng cơ bắp chân
+ Đau giảm khi nâng chân, đau tăng lên khi đứng thẳng
+ Ngứa ran và rát quan tĩnh mạch
+ Chuột rút, tê chân và bồn chồn đặc biệt là ban đêm
+ Cảm giác nặng chân, mệt mỏi và cuối ngày
+ Vùng mắc cá chân có thể bị sưng phù, đổi màu (nâu/đỏ)
+ Tĩnh mạch sưng, đổi màu da, hoặc nặng hơn là tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo
+ Bệnh nặng nề hơn khi các vết loét bắt đầu xuất hiện và khó lành
3. Lời khuyên cho phái đẹp
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân thường xuất hiện với những triệu chứng mờ nhạt và bệnh tiến triển âm thầm không gây quá nhiều đau đớn hay khó chịu. Bệnh không được chữa trị đúng sẽ kéo dài gây nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng (loét chân, huyết khối tĩnh mạch sâu,…)
Do đó, các chị em cần phải dự phòng bệnh bằng cách thay đổi lối sống của mình. Chị em nên tập thói quen vận động, tránh đứng, ngồi một chỗ quá lâu. Nếu do nhu cầu công việc phải đứng hay ngồi lâu, bạn có thể nhịp chân, luân phiên thay đổi tư thế và không bắt chéo chân. Những bài tập thể dục nhẹ nhàng (đi bộ), hoặc xoa bóp đôi chân trước và sau khi ngủ cũng là cách hỗ trợ cho máu lưu thông tốt hơn. Hạn chế mặc đồ bó sát và mang giày cao gót. Khi ngủ, nên kê cao chân để hỗ trợ máu lưu thông về tim dễ dàng. Ngoài ra, chị em cần có kế hoạch tầm soát bệnh suy giãn tĩnh mạch sớm để bảo vệ đôi chân của mình.